Băng rừng kéo điện lên vùng núi cao trước tết

Những cơn mưa dai dẳng ở huyện vùng cao Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, làm cho con đường vào làng Khe Chữ thêm lầy lội.


Làng mới Khe Chữ đang xây dựng.
 
Đây là khu dân cư mới của những hộ dân trong vụ sạt lở núi kinh hoàng cách đây mấy tháng. Sau những nỗ lực ổn định chỗ ở cho bà con, những ngày này, hàng trăm công nhân điện băng rừng trồng trụ, kéo đường dây vào làng trong cái lạnh thấu xương.
 
Khi sương mù còn giăng kín đường vào làng Khe Chữ đã thấy thấp thoáng bóng dáng công nhân điện hì hục đào trụ, kéo dây. Để dựng được cây trụ trên mỏm núi chót vót phải mất cả ngày trời. Họ lăn lộn, bò trườn, nguy hiểm rình rập vì cây trụ xi măng nặng đến cả tấn.
 

Dựng trụ kéo điện vào làng Khe Chữ.
 
Làng Khe Chữ, ngôi làng của tình yêu thương. Đây là ngôi làng mới dành cho những hộ bị ảnh hưởng sau vụ sạt lở núi kinh hoàng ở xã Trà Vân cách đây mấy tháng. Ông Hồ Văn Phương cho biết, về làng mới này cái bụng thấy yên tâm hơn, không còn lo sợ sạt lở núi. Ông Phương nói vui là về đây ngủ nhiều hơn ở làng cũ, vì vùng cao mùa này 6 giờ chiều đã tối om. Ăn cơm tối xong, mọi người quây quần bên bếp lửa rồi đi ngủ.
 
"Đảng, Nhà nước lo cho bà con như mình mừng lắm. Ước chi làm được con đường, đưa được điện về làng để Tết này mọi người được hưởng niềm vui trong làng mới. Thấy anh em công nhân điện làm việc cả ngày đêm, bà con cảm thấy ấm lòng rồi" - ông Phương nói.
 
Điện thắp sáng là một trong những công trình hạ tầng thiết yếu cần phải làm ngay để ổn định cuộc sống đồng bào vùng sạt lở núi. Đối với làng Khe Chữ, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam giao cho ngành điện hoàn thành trước Tết Mậu Tuất, đảm bảo nhà nào cũng có điện.
 

Những khu vực xe ô tô vào được thì việc dựng trụ nhanh hơn.
 
Anh Trần Văn Tiệp, quê ở huyện Thăng Bình, cách làng Khe Chữ hơn 150km. Những ngày cuối năm, vợ và 2 con nhỏ trông mong từng ngày anh về lo dọn dẹp nhà cửa, cúng tất niên. Nhưng vì công việc, anh Tiệp đành gác lại phần việc gia đình, lo cùng ngành điện.
 
Để đưa được điện vào làng Khe Chữ phải mất nhiều công sức. Có nơi không thể sử dụng phương tiện xe cẩu, công nhân khó đến được từng vị trí bố trí cột điện. Nhiều nơi đường nhỏ hẹp, đèo dốc lầy lội nên hầu hết các cột điện được vận chuyển và dựng bằng phương pháp thủ công.
 

Trồng trụ điện trên đỉnh núi.
 
Xe tải chở cột điện và vật tư thiết bị khác đã bị mắc lầy liên tục nên Ban Quản lý Dự án điện nông thôn miền Trung và Công ty Điện lực Quảng Nam phải huy động xe múc để lôi kéo, nhưng cũng chỉ được một đoạn đường ngắn. Việc dựng cột điện còn gian nan hơn. Trước tình hình này, các đơn vị thi công sáng tạo phương pháp dựng cột thủ công bằng cách đóng tời, dùng dây cáp để kéo và giằng thông qua ròng rọc gắn trên đầu cột điện, đưa cột điện tới vị trí móng, dựng cho thẳng đứng. Phương pháp này tuy tốn nhiều lao động nhưng là cách làm tối ưu nhất đối với địa hình phức tạp, đồi dốc như Khe Chữ.
 
Ông Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án điện nông thôn miền Trung, cho biết, cùng với dự án đưa điện về làng Khe Chữ, những ngày này trên khắp các buôn làng ở 10 xã của huyện Nam Trà My, hơn 250 cán bộ, kỹ sư, công nhân ở 6 đơn vị thi công làm việc trên tinh thần hết việc chứ không hết giờ, ngày tết cũng như ngày thường, đảm bảo cấp điện cho bà con.
 

Xe mắc lầy, người dân địa phương tham gia hỗ trợ đơn vị thi công.
 
"Hiện nay, địa hình huyện Nam Trà My có 3 xã cực kỳ khó khăn như Trà Linh, Trà Nam, việc vận chuyển thiết bị toàn bộ bằng thủ công thôi. Chúng tôi yêu cầu các đơn vị thi công huy động nhân - vật lực, có thể bằng xe máy, xe 2 cầu, xe bán tải… Nói chung tất cả những phương tiện gì mà vận chuyển được thì chúng tôi đều đưa lên công trường" - ông Nhân cho biết.
 
Trời vùng cao tỉnh Quảng Nam vẫn chưa ngớt mưa và rét lạnh. Những công nhân điện trong trang phục màu vàng thấp thoáng trong sương sớm, cheo leo trên cột điện làm ấm lòng đồng bào, vơi đi nỗi âu lo trong ngôi nhà mới còn thiếu trước hụt sau.
Dựng trụ kéo điện vào làng Khe Chữ
 

  • 13/02/2018 08:16
  • http://icon.com.vn